1. Ông là ai?

  • Lý Huệ Tông
  • Trần Nghệ Tông
  • Lê Trang Tông
  • Khải Định
Chính xác

Trần Nghệ Tông (1321-1395) tên thật Trần Phủ, là con thứ ba của vua Trần Minh Tông. Ông lên ngôi khi 49 tuổi, tại vị 2 năm và ở ngôi Thái thượng hoàng trong hơn 20 năm. Ban đầu, ông không có ý định làm vua nhưng được Thiên Ninh công chúa ủng hộ, ông quyết định giành ngôi.

Trần Nghệ Tông bị đánh giá quá tin tưởng người ngoại tộc, khiến đế nghiệp họ Trần sớm sụp đổ. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Nghệ Tông dẹp yên được nạn bên trong, khôi phục cơ đồ lớn. Công nghiệp lớn lao, sáng lòa vũ trụ. Song cung kính kiệm ước có thừa mà cương nghị, quyết đoán lại không đủ. Bên ngoài, quân giặc xâm phạm bờ cõi, bên trong gian thần ngấp nghé ngôi báu. Xã tác suy mòn rồi diệt vong”.

2. Khi ở ngôi Thái thượng hoàng, ông từng phế truất người cháu kiêm vị vua nào của họ Trần?

  • Trần Duệ Tông
  • Trần Phế Đế
  • Trần Thuận Tông
  • Trần Thiếu Đế
Chính xác

Sau 2 năm tại vị, Trần Nghệ Tông tin tưởng và truyền ngôi cho người em là Trần Duệ Tông. Khi Duệ Tông qua đời, Thái thượng hoàng đành lập người cháu lên ngôi, sử sách gọi là Trần Phế Đế. Vì tin tưởng lời dèm pha của ngoại thích, Nghệ Tông đã bức tử vua Phế Đế, tạo nên vụ truất ngôi tang thương bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, tháng 12 năm Mậu Thìn (1388), Thượng hoàng (tức Trần Nghệ Tông) vờ gọi Phế Đế tới bàn việc nước. Vua chưa kịp ăn uống, vội vã đi ngay, bên cạnh chỉ có hai người hầu. Đến nơi, Thượng hoàng chỉ nói “Đại vương lại đây!”, rồi sai lính đem vua giam ở chùa Tư Phúc.

Quyết định của Thượng hoàng khiến nhiều tướng sĩ bất bình, toan phản kháng để cứu Phế Đế. Tới nơi, vua viết hai chữ “giải giáp” vào thư rồi gửi cho binh sĩ, yêu cầu họ rút lui, không được trái ý Trần Nghệ Tông. Ngay sau sự biến, Thượng hoàng sai người đưa vua xuống phủ Thái Dương rồi cho thắt cổ chết.

3. Ai là người đã dèm pha, khiến Thượng hoàng Trần Nghệ Tông giết vua?

  • Nguyễn Kha
  • Nguyễn Bát Sách
  • Lê Lặc
  • Hồ Quý Ly
Chính xác

Vua Trần Phế Đế nhận thấy Thượng hoàng quá tin dùng và trao nhiều quyền lực cho người ngoài tộc là Hồ Quý Ly nên vô cùng lo lắng. Trong thời gian này, Quý Ly cũng ra sức phát triển thế lực riêng, thực quyền không thua kém hoàng tộc.

Để diệt trừ hậu họa, vua Phế Đế toan kết nối với một số đại thần nhưng kế hoạch bị lộ. Hồ Quý Ly sau đó mật tấu và bóng gió với Thượng hoàng rằng Trần Phế Đế (tức con của Trần Duệ Tông, cháu của Trần Nghệ Tông) đang có ý đồ tạo phản, nên phế truất: “Cổ lai chỉ có bỏ cháu nuôi con, chứ chưa thấy ai bỏ con nuôi cháu bao giờ”.

Chỉ bốn tháng sau lời tấu của Hồ Quý Lý, Thượng hoàng đã ra lệnh cho quân lính bắt giữ và sát hại vua Trần Phế Đế.

4. Người này chính thức cướp ngôi nhà Trần vào năm nào?

  • 1300
  • 1400
  • 1500
  • 1600
Chính xác

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, tháng 2/1400, Hồ Quý Ly cướp ngôi của vua Trần Thiếu Đế, tự xưng Thánh Nguyên, lập con trai Hồ Hán Thương làm thái tử: “Quý Ly bức vua nhường ngôi, buộc các quan 3 lần dâng biểu khuyên lên ngồi, sau đó phế vua làm Bảo Ninh Đại Vương. Vì vua là cháu ngoại nên không giết”.

Hồ Quý Ly trị vì một năm rồi trao quyền cho con thứ để làm Thái thượng hoàng nhưng vẫn quyết định mọi công việc quan trọng. Dưới triều nhà Hồ, nước Đại Ngu có nhiều cải cách về kinh tế, chính trị, quân sự nhưng vì cướp ngôi nhà Trần, lòng người không theo khiến triều đại sụp đổ, đất nước rơi vào tay ngoại bang chỉ sau 12 năm.

5. Lấy cớ nhà Hồ cướp ngôi nhà Trần, giặc ngoại bang nào đã đem quân đánh nước ta?

  • Nhà Nguyên
  • Nhà Minh
  • Nhà Thanh
  • Chiêm Thành
Chính xác

Năm 1406, quân Minh dưới triều Minh Thành Tổ tiến vào nước ta, lấy cớ “Phù Trần diệt Hồ”, bắt Hồ Quý Ly phải đầu hàng.

Nhà Hồ không phòng thủ ở biên giới mà lấy bờ Nam sông Hồng làm thành lũy, trọng điểm phòng thủ là Đông Đô (Thanh Hóa ngày nay). Vì không đoàn kết được lòng dân, quân của Hồ Quý Ly liên tiếp bại trận, đặc biệt là hai trận Mộc Hoàn và Đa Bang. Quân Minh chiếm được Đông Đô sau một năm, chính thức đặt ách cai trị lên nước ta.