Học sinh Trung Quốc nằm trong số những đối tượng giáo dục chịu áp lực nhiều nhất trên thế giới, theo đánh giá của Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc CGTN. Các em phải học tập cực nhọc hàng giờ đồng hồ mỗi ngày để phát triển tài năng và tìm kiếm được cơ hội trong thị trường muôn vàn cạnh tranh.

Theo một nghiên cứu của cơ quan chính phủ Trung tâm Nghiên cứu Thanh thiếu niên và Trẻ em Trung Quốc (CYCRC), trung bình, trẻ em Trung Quốc dành 8,1 giờ mỗi ngày ở trường tiểu học và 11 giờ mỗi ngày ở trường trung học.

Việc học không chỉ dừng lại ở trường mà còn ảnh hưởng đến thời gian ở nhà. Một cuộc khảo sát của công ty giáo dục Afanti, cho thấy học sinh Trung Quốc mất gần 3 giờ mỗi ngày làm bài tập về nhà, gấp 3,7 lần so với học sinh Nhật Bản và 4,8 lần so với trẻ em Hàn Quốc. Như vậy, quỹ thời gian trung bình học sinh Trung Quốc dành cho việc học vào khoảng 11-14 giờ/ngày.

Nghiên cứu của CYCRC cũng cho thấy, ngoài lịch học cố định các ngày trong tuần, các hoạt động ngoại khóa vào cuối tuần chiếm thêm 2,1 giờ. Tất cả những tỷ lệ này đều cao nhất thế giới.

trung quoc 1.jpg
Một học sinh đeo khăn có dòng chữ "Chinh phục kỳ thi tuyển sinh đại học" tại Trường THPT số 2 Hành Thủy, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc.

Đằng sau áp lực ngày càng tăng là sức khỏe của những người trẻ tuổi bị tổn hại. Theo báo cáo của cơ quan y tế công cộng Trung Quốc, từ năm 2002 đến 2012, tỷ lệ béo phì ở người Trung Quốc từ 6- 17 tuổi đã tăng 4,7 điểm phần trăm. 

Tỷ lệ cận thị ở Trung Quốc đã tăng đáng kể trong những năm gần đây. Một số người chỉ ra rằng 20%-50% học sinh tiểu học, 35%- 60% học sinh THCS và 50%- 75% học sinh đại học Trung Quốc bị cận thị vào năm 2018. Tính đến tháng 10/2021, 52,7% trẻ em và thanh thiếu niên ở nước này bị cận thị và tỷ lệ này cao hơn 2,5% so với năm 2019, theo số liệu của Bộ Giáo dục Trung Quốc.

Cả hệ thống giáo dục và toàn xã hội, từ học sinh đến phụ huynh, nhà giáo dục đến quan chức, đều kêu gọi cải cách để giảm bớt gánh nặng. Vấn đề giảm tải khối lượng giờ học, môn học cho học sinh lại được nêu ra trong các diễn đàn quốc gia, nhưng một giải pháp toàn diện vẫn chưa xuất hiện.

Khi đất nước chuyển trọng tâm tăng trưởng từ tích lũy của cải của nền kinh tế sang cải thiện phúc lợi cá nhân, dường như giáo dục Trung Quốc vẫn gặp khó khăn để theo kịp.

Các cuộc cạnh tranh trở nên khốc liệt hơn. Phụ huynh, gia đình và xã hội hiểu rằng một suất vào một trường đại học hàng đầu đòi hỏi phải có nền giáo dục chất lượng ngay ở trường trung học, thậm chí là một trường tiểu học danh tiếng.

Áp lực đã khiến các bậc phụ huynh đẩy con đến giới hạn, đồng thời, góp phần tạo nên sự bùng nổ của “ngành công nghiệp học thêm”. Những hoạt động này không chỉ làm tăng khối lượng công việc cho học sinh nhỏ tuổi mà còn gây áp lực tài chính cho phụ huynh.

Thị trường chương trình giảng dạy ngoài nhà trường được định giá 300 tỷ NDT (khoảng 47 tỷ USD theo tỷ giá ngày nay) vào năm 2005. Mười năm sau, tổng giá trị đã lên tới 800 tỷ NDT. Nghiên cứu của ĐH Bắc Kinh ước tính rằng gần 48% học sinh Trung Quốc đã tham gia các khóa học như vậy vào năm 2017.

Theo một cuộc khảo sát được thực hiện vào năm 2020, gần 80% phụ huynh Trung Quốc thừa nhận đã gửi con đến các lớp học thêm sau giờ học. Hiệp hội Giáo dục Quốc gia cho biết các bậc cha mẹ Trung Quốc chi trung bình 120.000 NDT (khoảng hơn 394 triệu đồng/năm cho việc dạy kèm ngoại khóa cho con cái và một số người bỏ ra tới 300.000 NDT (hơn 985 triệu đồng), theo The South China Morning Post.

Ngành công nghiệp dạy thêm ngày càng chiếm thị phần lớn trong nền kinh tế Trung Quốc. Chính phủ nước này định vị lĩnh vực này trị giá 100 tỷ USD (khoảng 2.365 tỷ đồng) vào năm 2021 nhưng đang "mở rộng vốn một cách vô trật tự”.

Các trường và giáo viên vẫn giữ quan niệm cũ rằng điểm số của học sinh trong các kỳ thi “quyết định cuộc đời” của các em. Điều này khiến các nhà giáo dục dễ dàng “đồng lõa” trong việc gia tăng khối lượng bài vở hơn là bảo vệ sức khỏe của học sinh. 

Học sinh đến trường không mục đích gì ngoài tăng điểm trong kỳ tuyển sinh. “Học tập chăm chỉ để có thể kiếm được việc làm tốt và kiếm nhiều tiền hơn đã trở thành điều mà nhiều bậc cha mẹ Trung Quốc mong đợi ở con cái họ. Điều này khiến ba lô của học sinh ngày càng nặng hơn”, cô giáo trung học You Lizeng, đồng thời là thành viên Quốc hội cho biết.

Ngay cả khi đã xác định được nguyên nhân gốc rễ, việc cải tổ thể chế vẫn tỏ ra khó khăn. Một số chuyên gia kiến nghị cần nỗ lực nhiều hơn nữa để đánh giá toàn diện và học sinh có thể tự tin tìm ra con đường thành công của riêng mình.

Tử Huy